6 QUY TẮC GIÚP THIẾT KẾ BAO BÌ TỎA SÁNG TRÊN KỆ TRƯNG BÀY
Theo Hiệp hội tiếp thị thực phẩm (FMI – Food Marketing Institute), các siêu thị tầm trung ở Mỹ trưng bày khoảng 40.000 sản phẩm khác nhau. Gần 600 tỷ đô của ngành công nghiệp phụ thuộc lớn vào người tiêu dùng, nhà phân phối, nhà sản xuất và … các chuyên viên thiết kế đồ họa.
Bao bì sản phẩm, với quy tắc thiết kế đồ họa, chính là một ngành công nghiệp riêng. Nhiều công ty thiết kế đa quốc gia như Landor, CBA’s và Coley Porter Bell tuyển dụng hàng trăm nhà thiết kế chuyên tập trung sáng tạo ra các thương hiệu mạnh thông qua thiết kế bao bì và nhãn hiệu.
Với 99designs, bao bì sản phẩm là một loại hình đang phát triển, chờ đợi những nhà thiết kế tuyệt vời dấn thân vào và xây dựng portfolio của họ. Nhưng yêu cầu của mảng thiết kế này đòi hỏi nhiều hơn là có mắt thẩm mỹ, thế nên, hãy xem thử những điều gì sẽ tạo ra và phá vỡ một thiết kế bao bì tốt.
1. Sáng sủa và đơn giản
Lần tới khi đi siêu thị, bạn hãy chọn ngẫu nhiên một kệ hàng và xem sơ vài sản phẩm. Khi xem mỗi sản phẩm, tự hỏi bản thân 2 câu hỏi rất đơn giản này:
1. Sản phẩm này dành cho cái gì?
2. Thương hiệu nào đứng phía sau?
Một ví dụ tuyệt vời cho thiết kế bao bì đơn giản, rõ ràng nhưng tuyệt đối dễ phân biệt. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy thật khó để tìm đáp án cho những câu hỏi này chỉ trong vòng 4 giây, vốn là khoảng thời gian trung bình tối đa mà khách hàng để mắt đến mỗi sản phẩm riêng biệt trên kệ hàng.
Bạn sẽ tìm thấy những sản phẩm liệt kê hàng tá ích lợi mà không có tên nhãn hàng rõ ràng. Bạn cũng thấy sản phẩm nhìn bên ngoài rất tuyệt nhưng lại không lý giải tốt sản phẩm chứa bên trong. Bạn thậm chí có thể tìm ra sản phẩm nước tẩy rửa với bao bì lại thích hợp cho nước trái cây trẻ em hơn.
Đây là một ví dụ tệ hại! Sản phẩm tẩy rửa này thật quá ngon miệng, phải không? Thiết kế bao bì này có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và thất bại trong truyền tải thông tin rõ ràng.
Mặc dù một số loại hình sản phẩm cho phép một chút bí hiểm (như nước hoa và các vật phẩm xa xỉ), nhưng thất bại trong nhận dạng sản phẩm xét về mặt nội dung, cách dùng hoặc nhận diện nhãn hiệu, thì kết quả thực tế khủng khiếp là một thiết kế bao bì lu mờ trên kệ hàng.
Thế nên hãy ghi nhớ quy tắc thứ nhất: sản phẩm rõ ràng, nhãn hiệu rõ ràng.
2. Trung thực
Những bạn vừa nhập môn vào thiết kế bao bì, ý tôi là cả khách hàng và nhà thiết kế, thường phải cố gắng nhiều để miêu tả sản phẩm theo cách thức dễ tưởng tượng nhất. Họ sẽ thể hiện một chiếc bánh bích qui đẫm chocolate, trong khi thực tế bạn sẽ mua một chiếc bánh bích qui vị chocolate. Họ sẽ thể hiện những quả cherry to mọng, tươi mới trên yogurt trái cây mà thực tế chỉ có một chút trái cây bên trong thôi.
Bằng cách miêu tả sản phẩm tốt hơn gấp mười lần so với thực tế, bạn sẽ khiến người tiêu dùng hiểu lầm và rốt cục khiến họ thất vọng, từ đó chỉ dẫn đến lượng bán ra thấp và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu.
Loại bánh này có thể ăn ngon, nhưng bao bì lại rõ ràng dễ gây hiểu lầm. Xem thêm một số so sánh hình ảnh bao bì và thực phẩm thực tế ở đây.
Đây chính là sự trung thực. Người tiêu dùng chẳng có lý do gì để chán ghét những sản phẩm đơn giản, rẻ tiền cả, miễn là họ biết họ đang mua thứ gì! Dĩ nhiên, họ mong đợi một sản phẩm “bắt mắt” – ở mức độ vừa phải chứ không phải là khác biệt hoàn toàn với thực tế.
Dưới tư cách là một nhà thiết kế, nhiệm vụ của bạn là trình bày sản phẩm theo cách thức tốt nhất có thể nhưng vẫn phải ghi nhớ quan điểm, rằng người tiêu dùng – trong đó bao gồm cả bạn – đều xứng đáng được đối xử đúng mực.
3. Cá tính
Tính độc đáo, nét đặc sắc và khả năng dễ ghi nhớ chính là cốt lõi của một nhãn hàng tốt và tất nhiên là một thiết kế bao bì tốt.
Rất dễ hiểu bởi lẽ có hàng trăm sản phẩm trên thị trường, và tất cả đều cạnh tranh để đạt được sự chú ý từ khách hàng. Cách duy nhất để khiến thương hiệu của bạn nổi bật lên chính là phải khác biệt, phải có cá tính.
Bởi vì đây thực sự là một vấn đề của sáng tạo và khám phá, nên không thể nào cho lời khuyên về cách thức trở nên “đáng tin”, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mỗi người phải đối mặt với vô số nhãn hàng, phong cách và đủ loại lôi cuốn hấp dẫn.
Mẫu thiết kế bao bì của Colin Porter Bell là một ví dụ tuyệt vời cho thiết kế bao bì cá tính và dễ ghi nhớ.
Nếu bạn đang mắc kẹt với một kiểu thiết kế bao bì chung thì hãy áp dụng một phong cách thiết kế bất thường với “tiêu chuẩn thị giác” mạnh mẽ.
Ví dụ như, mọi người đang hướng đến sản phẩm dùng nhiều hình ảnh, thì bạn hãy dùng hình vẽ illustration hoặc kiểu thiết kế sử dụng Typography. Nếu mọi người đang hướng đến layout ngang, thì bạn hãy làm dạng dọc. Nếu hầu hết thiết kế theo hướng đương đại, thì bạn hãy thử giới thiệu thứ gì đó hoài cổ tập trung về chất lượng.
Hãy cứng rắn, khác biệt và xem xét những danh mục sản phẩm khác để tìm ra nguồn cảm hứng không ngờ tới – thiết kế linh hồn cho nhãn hiệu có thể là một cách tốt để “brainstorm” những ý tưởng cho dự án bao bì chocolate mới.
4. Ấn tượng trên kệ trưng bày
Từ góc nhìn của một người mua hàng, một sản phẩm không bao giờ đứng một mình và cũng không thể lập tức nhìn rõ những chi tiết. Bởi vì với góc nhìn xa từ kệ hàng và cách bố trí sản phẩm theo hàng và cột, thì tất cả những gì chúng ta nhìn thấy là mẫu trang trí được tạo ra từ nhiều sản phẩm đa dạng. Chỉ đến khi có một loại nhất định thu hút sự chú ý thì chúng ta mới quyết định đến gần hơn để nhìn kỹ.
Sự tách bạch rõ ràng và sức lôi cuốn của sản phẩm khi đặt trên kệ hàng thực tế chính là thứ mà các nhà bán lẻ gọi là “ấn tượng trên kệ trưng bày,” và tạo nên thay đổi lớn trong tiêu thụ sản phẩm.
Đây là thực tế bạn nhìn thấy trong siêu thị. Sản phẩm nào gây sự chú ý trước tiên cho bạn?
Ấn tượng trên kệ hàng là một thứ bạn cần kiểm tra và khám phá trong các thiết kế. Bạn có thể thực hiện bằng cách mô phỏng đặt thiết kế của bạn lên một kệ hàng thực tế và đặt những sản phẩm khác xung quanh (để có kết quả tốt nhất, sử dụng nhiều hàng và cột cho mỗi sản phẩm). Sản phẩm càng tách bạch rõ ràng, lượng tiêu thụ càng tốt.
Lưu ý: có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi nhìn vào kết quả – đôi khi thiết kế đẹp mắt nhất lại đơn giản bị hòa trộn và ẩn đi, trong khi thiết kế đơn giản hơn lại “bật lên hẳn” những thứ khác.
5. Khả năng mở rộng
Một ý tưởng thiết kế bao bì sản phẩm tốt nên cho phép dòng sản phẩm mở rộng (sản phẩm biến thể) hoặc một thương hiệu phụ có thể dễ dàng thêm vào.
Ví dụ như, hãy tưởng tượng bạn đang làm bao bì cho một dòng nước ép táo mới. Bạn và khách hàng của bạn chọn ra một thiết kế rất tuyệt, thể hiện những điểm nổi bật của táo. Tuy nhiên, vài tháng sau, khách hàng quyết định tung ra dòng nước cherry với cùng kiểu dáng và thương hiệu.
Thiết kế bao bì tốt cho phép dễ dàng biến đổi mà không làm mất đi sự hấp dẫn thị giác.
Lúc này thật tệ là, bạn hiểu rằng ý tưởng thiết kế ban đầu phải phụ thuộc quá nặng vào hình ảnh quả táo và không thể áp dụng tốt như vậy với cherry. Thêm vào đó, cherry lại có một số ích lợi để được truyền đạt trên panô mặt tiền, mà như thế lại đi ngược với ý tưởng của bạn. Lúc này bạn đang gặp vấn đề trong khả năng mở rộng.
Để tránh điều này, bạn nên luôn giữ tâm thế sẵn sàng cho tương lai khi thiết kế bao bì sản phẩm. Điều đó có nghĩa là phải tạo ra thiết kế có tính hệ thống về mặt thị giác, cho phép thay đổi dễ dàng bề ngoài sản phẩm hoặc thông tin khác. Do đó, đến lúc cuối cùng bạn sẽ có được những sản phẩm với bề ngoài mang tính hệ thống với nhau.
6. Tính thực tế
Tính thực tế ở đây là về hình dáng, kích cỡ và chức năng sản phẩm, mà không chỉ là nhãn hiệu hay giấy gói. Sản phẩm càng thực tế, lượng tiêu thụ càng nhiều – giống như khi Heiz đổi mẫu chai sốt cà chua lật ngược lại, lượng tiêu thụ liền tăng vọt lên
Khi ngành công nghiệp sốt cà chua đang trong cơn khủng hoảng, đảo ngược mẫu chai đã giúp Heiz đẩy mạnh lượng tiêu thụ.
Tính thực tế là khía cạnh bị xem nhẹ nhất trong thiết kế bao bì, đơn giản là vì khách hàng thường chọn phương án “phù hợp và đã được chứng minh”, do đó làm mất đi cơ hội cho những sáng tạo đổi mới.
Nhưng nếu bạn may mắn và nắm được cơ hội để thiết kế mẫu chai, hộp hay cốc tiếp theo, hãy luôn nghĩ đến tính thực tế trước tiên – hoặc trong hầu hết trường hợp, chính là bạn cần làm như thế nào để khiến sản phẩm dễ sử dụng, dễ mang theo hoặc bảo quản hơn.
Chỉ cần mỗi tính thực tế cũng có thể giải quyết nhiều vấn đề thách thức trong thiết kế bao bì.
Kết luận
Thiết kế bao bì là một mảng thiết kế rộng và phức tạp, luôn tìm kiếm những nhà thiết kế có khả năng truyền tải cả tính độc đáo của sản phẩm, đồng thời cam kết lượng tiêu thụ. Bao bì là thông điệp cuối cùng mà một khách hàng nhìn thấy và là cơ hội cuối cùng để thuyết phục người đó mua sản phẩm. Sự rõ ràng, tính trung thực, độ tin cậy và những quy tắc khác đã miêu tả ở trên, đóng vai trò quan trọng trong quá trình này nhưng không mang ý nghĩa quyết định quan trọng nhất.
Nếu bạn chỉ vừa mới bắt đầu, tôi dứt khoát khuyên bạn nên theo dõi những dự án của các công ty, blog thiết kế bao bì hàng đầu như Dieline, và xây dựng portfolio của bạn thông qua cuộc thi bao bì trên 99designs
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.